Chuyện chơi đàn (kỳ 6): Các loại hợp âm mở rộng trên guitar mà bạn có thể chưa biết

Lời đầu tiên, xin chân thành cảm ơn các Channel Youtube: Sean Daniel, Paul Davies, Samuraiguitarist, Move Forward Guitar, Fretjam… và một số kênh khác đã cung cấp nguồn tư liệu hữu ích để xây dựng nên bài viết này. Nếu có thể, các bạn hãy subscribe hoặc tìm đến các tutorial của những vị này để tham khảo thêm phần sound thực tế của các loại hợp âm và một số chia sẻ của riêng họ, nếu không ngại sử dụng tiếng Anh. Nghĩa cử là nghĩa tận, hãy trân trọng và biết ơn những người thầy của bạn, đặc biệt là những ai có uy tín, trách nhiệm, tâm huyết và không bòn của bạn xu nào để đổi lấy kiến thức (chỉ cần like & subcribe là mấy ổng sướng cỡn lên rồi). Nếu chúng ta biết đặt mình vào ý nghĩ rằng “người ta đã mất công đến vậy, mình cần phải cố gắng” thì bạn sẽ ắt sẽ có động lực để vượt qua được mớ lý thuyết dưới đây.

Hãy để nhạc lý vùi dập mình trong sự vui vẻ. Nên là như thế 🙂

Mình thấy lâu lâu có bạn đăng cái bảng thống kê các loại hợp âm và than thở rằng: đến bao giờ tôi mới thuộc được hết? Ừ đúng rồi, học bằng cái bảng đấy thì không nhớ nổi cũng đúng thôi vì đó là học vẹt, không căn nguyên cũng không ứng dụng, chỉ đơn thuần là cố nhét các thế bấm vào đầu thôi. Cá nhân mình tin rằng các phương pháp tiếp thu cưỡng chế (ví dụ như học tiếng Anh theo kiểu viết từ vựng ra sticknote dán khắp phòng để nhìn đâu tụng đó) đều chỉ khiến não bộ chúng ta ghi nhớ trong nhất thời, nhớ một cách miễn cưỡng và đối phó, làm vài ve bay bay là trả ráo hết chữ nghĩa cho thầy cô liền. Khi tiếp nhận một lý thuyết nào đó, bằng mọi giá ta phải trải nghiệm được ứng dụng của nó. Nếu có không gian giảng dạy phù hợp, mình sẽ bắt học viên nghe nhạc liên tục mỗi khi dạy đến phần hợp âm, còn nếu chỉ tương tác qua màn hình máy tính/điện thoại thì các bạn cần chịu khó nghĩ cách làm thế nào để nắm chắc được thứ mình được học. Ý mình ở đây, đúng rồi đó, đơn giản là thực hành và ăn hành thôi. Là bật nhạc lên, lắng nghe thật kỹ, rồi đau khổ quằn quại vì chẳng thể dò được cái quái gì cả. Cứ thế suốt ngày này qua ngày nọ thì chúng ta nảy sinh dần cái thứ gọi là “sense” – sự nhạy cảm với hòa âm. Chúng ta dò nốt, dò bass bắt đầu chính xác hơn, trơn tru hơn và tự dưng sáng chế ra được vài ba loại tiết tấu, hợp âm mà trước đó còn chẳng bao giờ nghĩ đến. Khả năng cảm âm sẽ được nâng cao trong muộn màng vậy đấy. Suy cho cùng vấn đề của bạn chỉ có bạn là hiểu rõ nhất, và sẽ là người vá lỗi tuyệt vời nhất chứ không phải một ai khác, kể cả cái thằng viết bài này. Học đàn lâu hơn 30 ngày để biết chơi đàn là một quá trình đau thương (có thể đến chết luôn), nhưng thành quả chắc chắn sẽ đi lên cùng bạn theo từng năm tháng.

Về các khái niệm cơ bản nhất như bậc, âm giai, triad…mình đã giải thích ở các “chuyện chơi đàn” kỳ trước rồi nên sẽ không nhắc lại. Chúng ta, thay vào đó, sẽ chỉ đề cập đến 2 thứ cốt lõi nhất thôi: cấu tạo của nó & công dụng của nó.

Lần trước chúng ta đã nói về hợp âm trưởng, thứ và hợp âm 7 rồi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tường lãm tiếp các loại khác, như là: hợp âm 6, hợp âm 9, hợp âm treo (suspended), hợp âm giảm (diminished), hợp âm tăng (augumented), hợp âm đảo.

1, Hợp âm 6 (Sixth chord), Hợp âm 9 (Ninth chord):

Kể cả có thêm hợp âm 11 hay hợp âm 13 thì mình cũng sẽ gom chung vào một nhóm này – tức hợp âm “add”: gồm triad I-III-V giống với hợp âm trưởng/thứ kèm thêm nốt bậc khác vào. Cấu trúc này hoàn toàn tương đồng với hợp âm 7 đã nói ở bài trước.

Như vậy, ta có thể hình dung được cấu tạo hợp âm mỗi khi nói đến loại nào. Ví dụ như hợp âm 6 = triad + bậc VI, hợp âm 9 = triad + bậc IX…đơn giản vậy thôi.

Đối với bậc 9 (IX) trở lên thì sẽ nảy sinh câu hỏi: tại sao lại không gọi là bậc II luôn đi? Qua bậc VII là đã trở về nốt chủ âm giai (Tonic) rồi còn gì? Theo mình nghĩ, nếu gọi là bậc II thì nó sẽ bị chen ngang vào cấu trúc triad I-III-V vốn đang là xương sống của loại hợp âm này, nên ta sẽ tính lên cao tiếp vậy. Cứ tính theo quy tắc cao độ bình thường thôi, không có gì khó cả.Cấu tạo của các loại hợp âm add thông dụng nhất như sau:

  • Hợp âm 6 (*6): I – III – V – VI 
  • Hợp âm thứ 6 (*m6): I – III♭ – V – VI
  • Hợp âm major 9 (*maj9): I – III – V – VII – IX (vì trên guitar chỉ có 4 ngón tay trái để bấm thôi, nên ta có thể giản lược thành I – III – VII – IX, không cần dùng nốt bậc V cũng được trong trường hợp không có dây buông)
  • Hợp âm thứ 9 (*m9): I – III♭ – V – VII♭ – IX (có thể giản lược thành I – III♭ – VII♭ – IX). 
  • Hợp âm 9 (*9): I – III – V – VII♭ – IX (có thể giản lược thành I – III – VII♭ – IX). 
  • Hợp âm add 9 (*add9): I – III – V – IX

Ta lấy ví dụ trên âm giai G major như sau:

  • G6: sẽ gồm các nốt: G – B – D – E (tọa độ bấm 320000)
  • Gm6: G – B♭ – D – E (tọa độ bấm 310330)
  • Gmaj9: G – B – D – F# – A (tọa độ bấm 300202)
  • Gm9: G – B – D♭ – F – A (tọa độ bấm 3132xx)
  • G9: G – B – D – F – A (toạ độ bấm 300201)
  • Gadd9: G – B – D – A (tọa độ bấm 300203)

Công dụng của các hợp âm “add”: theo mình thì, cách xài cũng giống y chang như hợp âm 7 thôi – tức là sẽ thay thế được các hợp âm trưởng/thứ thông thường. Tùy vào âm sắc nào muốn cho vào bản nhạc, chúng ta sẽ cân nhắc lựa chọn loại hợp âm phù hợp.

Đối với các hợp âm 6 thì mình ít khi sử dụng, vì đơn giản là số bài có chứa hợp âm 6 là không nhiều. So với hợp âm 6, người chơi thường ưa chuộng hợp âm 9 hơn với phần âm sắc rõ ràng hơn & thế tay dễ nhớ hơn nhiều. Trường hợp hay gặp nhất và cũng sẽ có dịp sử dụng thường xuyên nhất, đó là khi ta sử dụng một hợp âm thứ 6 liền sau một hợp âm trưởng. Ví dụ trong bản “Don’t Know Why” của Norah Jones ở tông A major mà có từng chuyển soạn, mình đã sử dụng chùm hợp âm cho phần Verse là: Amaj9 | Dmaj7, Dm6 | F#m7, B9 | Esus4, Amaj7, nó sẽ tạo cảm giác buồn thoáng qua giống như đang vui mà chợt nhớ lại cái gì không vui ấy.

Đối với hợp âm 9, nó có thể xem như là loại hợp âm “add” thông dụng & được người chơi sử dụng rộng rãi nhất. Hợp âm 9 mang lại chút cảm giác mơ hồ siêu hình, không rặt lãng mạn như hợp âm 7 mà sẽ có tính gợi mở hơn đối với người nghe. Nếu bạn có nghe nhạc của John Mayer hay các thể loại Country tương tự thì chắc sẽ để ý lão rất hay dùng hợp âm 9 cho nhiều sáng tác của mình như “No Such Thing”, “St. Patrick’s Day”, “Emoji of a Wave”…  Vô hình chung, nó gây nên sự lạ tai nhất định đến người nghe và gần như trở thành một đặc trung cố hữu của lão luôn.

Một vài ứng dụng của hợp âm 9 có thể sẽ là:

  • Một hợp âm maj9 thay cho hợp âm trưởng sẽ tạo cảm giác là lạ, không quá tươi sáng nhưng lại phóng khoáng đến cho bản nhạc.
  • Một hợp âm m9 thay cho hợp âm thứ sẽ tạo cảm giác siêu hình, vẫn là cái màu thứ nhưng có gói ghém thêm được một ẩn ý gì đó để thu hút tiếp người nghe. Đoạn intro trong bản “Ebon Coast” của Andy McKee là một ví dụ có thể tham khảo.
  • Một hợp âm add9 thay cho hợp âm bậc 4 của âm giai sẽ tạo cảm giác gợi mở hơn nhiều. Nhạc US-UK, các bản rock ballad hay rock alternative rất hay sử dụng hợp âm add9, nên nếu bạn là 1 rock-head lãng mạn thì cần phải biết đến nó đấy.
  • Một hợp âm maj9 dùng để kết bài cho những bản tông trưởng sẽ là một cách kết thúc giai điệu đầy thi vị & đẹp rất đẹp luôn đó.

2. Hợp âm treo (Suspending chord):

Hay còn gọi ngắn gọn là hợp âm sus, là kiểu hợp âm thay đổi cấu trúc triad cúng cơm I – III – V mà ta cứ cố định suốt từ nãy tới giờ. Tất nhiên là nó cũng có quy tắc, và quan trọng nhất là nó tạo ra một âm sắc rất rõ ràng để người chơi đàn hiểu được & ứng dụng rộng rãi. Còn tại sao lại gọi nó là “treo” thì mình cũng không rõ lắm, nhớ lúc trước nghe các bác nói là vì nó tạo cảm giác như treo lơ lửng cành cây ấy.  Nói thế thôi chứ do chữ “Suspended” dịch sát nghĩa đen là “đình chỉ, ngưng trệ” nên ta mới gọi nhanh là “treo” :)Một số loại hợp âm sus phổ biến nhất mà các bạn cần lưu ý:

  • Hợp âm sus 2 (*sus2): I – II – V
  • Hợp âm sus 4 (*sus4): I – IV – V
  • Hợp âm 7 sus 4 (*7sus4): I – IV – V – VII♭

Ta lấy ví dụ trên âm giai D major như sau:

  • Dsus2: sẽ gồm các nốt: D – E – A (tọa độ bấm xx0230)
  • Dsus4: D – G – A (tọa độ bấm xx0233)
  • D7sus4: D – G – A – C (tọa độ bấm xx0213)

Công dụng của hợp âm sus: đây là các loại hợp âm rất đặc trưng của nhạc tông trưởng với âm sắc nhẹ nhàng, thơ mộng & có tính gợi mở đến người nghe. Theo kinh nghiệm mình thấy, những bản nhạc được khen là “đẹp” đều có tần suất sử dụng các hợp âm sus tương đối (tất nhiên là vẫn chừng mực chứ không hề lạm dụng).Một vài ứng dụng của hợp âm 9 có thể sẽ là:

  • Hợp âm sus2 thay cho hợp âm trưởng sẽ là cách cơ bản nhất để giảm bớt sự tươi sáng thái quá mà hợp âm trưởng mang lại. Với những giai điệu bình yên thì bạn thường luôn cần đến niềm hứng cảm của người lãng mạn; vậy nên có thể bạn sẽ cảm thấy hòa âm quá xán lạn của hợp âm trưởng sẽ khiến cho cái tình trong bản nhạc mình bị ngây ngô đi trông thấy. Hợp âm sus2 sẽ giúp bạn bớt lấn cấn hơn với những trường hợp này.
  • Hợp âm sus4 nó như là một cách nhấn mạnh cho các hợp âm chủ của bài vậy. Ở các đoạn nhạc mà bạn phải đánh hợp âm chủ liên tục mấy nhịp liền thì bạn có thể chêm hợp âm sus4 vào cho đỡ ngấy. Âm sắc của hợp âm sus4 khá cởi mở nên bạn cũng có thể kết hợp với những bản nhạc có sử dụng hợp âm 9 (đặc biệt là add9) vốn có âm sắc gần tương tự. Ví dụ như chùm hợp âm này: Gmaj9 | Dsus4  | Cadd9.
  • Mặt khác, chúng ta cũng có thể sử dụng hợp âm sus4 để dẫn về hợp âm chủ của bài do cấu tạo có cả nốt bậc IV (sub-dominant) lẫn bậc V (dominant). “Dominant” ở đây tức là tính dẫn dắt về hợp âm chủ của bản nhạc nhé, ví dụ như trong Canon in C thì G (Sol trưởng) sẽ là hợp âm dominant để kéo cả chuỗi hợp âm về lại hợp âm chủ (C major) của bài.
  • Hợp âm 7sus4: cái này thì tùy, khi nào thấy âm sắc phù hợp thì ráp vào thôi. Thông dụng nhất sẽ là thay thế hợp âm dominant để dẫn về hợp âm chủ của bài giống sus4. Nó có thể pha trộn thêm cảm giác dịu dàng, lãng mạn đặc trưng của hợp âm 7 nhờ có thêm nốt bậc VII♭ vào.

3. Hợp âm giảm (Diminished chord):

Còn gọi là hợp âm dim, là loại hợp âm biến tấu đi cấu trúc triad I – III – V của hợp âm thông thường theo hướng hạ cao độ của các nốt bậc V & bậc VII xuống ½ cung. Bạn còn nhớ cấu trúc của hợp âm thứ chứ (I – III♭ – V)? Với việc đã có sẵn một quãng 3 thứ rồi (I – III♭) nên hợp âm giảm là loại hợp âm rất phổ biến trong các bản nhạc tông thứ, như là một chất liệu khác với hợp âm thứ bình thường để tạo ra cảm giác buồn bã đặc trưng trong giai điệu, hòa âm. Nói thế thôi chứ nhạc tông trưởng vẫn xài hợp âm dim khỏe re, nhiều nữa là đằng khác nếu khéo léo biết sử dụng đúng chỗ.

Có 3 loại hợp âm dim phổ biến nhất mà các bạn cần lưu ý:

  • Hợp âm dim trưởng (*dim): I – III♭ – V♭
  • Hợp âm dim thứ (*m7♭5): I – III♭ – V♭ – VII♭
  • Hợp âm dim 7 (*dim7): I – III♭ – V♭ – VII♭♭ (chú ý có 2 dấu giáng vào nốt bậc VII nha, dù tự hiểu đó là bậc VI nhưng đây là quy ước người ta ký hiệu để hợp thức hóa cái tên gọi “dim7” của loại hợp âm này)

Ta lấy ví dụ trên âm giai D major như sau:

  • Ddim: sẽ gồm các nốt: D – F – A♭ (tọa độ bấm xx0131)
  • Dm7♭5: D – F – A♭ – C (tọa độ bấm xx0111 hoặc x5656x)
  • Ddim7: D – F – A♭ – B (tọa độ bấm xx0101 hoặc x56464)

Công dụng: đặc thù của loại hợp âm này đó là cảm giác không ổn định (unstable), căng thẳng (tensive) & cần phải được giải quyết bởi một hợp âm liền sau đó. Sự phụ thuộc này khiến nó không thể là hợp âm chủ của một bài được, lưu ý nhé. Và như có nói ở trên, âm sắc của hợp âm dim sẽ phần nào mang đến cảm giác buồn bã, hoài niệm. Rõ ràng nhất là ở hợp âm dim thứ (m7♭5) nên nó rất hay được sử dụng để cho vào mấy bài nhạc tâm trạng.

  • Hợp âm dim trưởng có khá ít ứng dụng trong các tiến trình hợp âm, do âm sắc mà nó mang lại không rõ ràng và cảm giác “cụt” hơn nhiều so với dim thứ & dim 7. Nó có thể dùng như là một “trạm chuyển” nhanh giữa 2 hợp âm trong một số tình huống passing chord, nhưng cá nhân mình cũng rất ít khi sử dụng nên không đảm bảo cho lắm. Các bạn chịu khó nghiên cứu thêm về cách sử dụng trên mạng hén.
  • Hợp âm dim thứ: dùng để thay thế các hợp âm thứ/hợp âm thứ 7 nếu nghe cảm thấy phù hợp, mà gần như là sẽ thay thế tốt đấy vì âm sắc của nó rất rõ ràng, và phần nào đó là đẹp nữa. Đây là loại hợp âm giảm thông dụng nhất. Trong nhạc tông trưởng nó có thể thay thế cho các hợp âm thứ bậc II, bậc III để tạo cảm xúc sâu sắc hơn; và trong nhạc tông thứ thì nó có thể thay cho hợp âm thứ/hợp âm 7 tại bậc II để đổ về hợp âm dominant chẳng hạn như chùm: Am7 |Bm7♭5, E7| – Am7 đi, chơi trên nền điệu Bossa Nova nó sẽ nghe khá sang chảnh. Tốt nhất là bạn nên chịu khó vọc một chút, thử thay hợp âm dim thứ vào các vị trí hợp âm thứ/7/thứ 7 trong một bài nhạc xem có chỗ nào phù hợp không.
  • Hợp âm dim 7: loại này thì khó có thể khái quát hết công dụng vì cách dùng của nó rất linh hoạt, chủ yếu sử dụng trong jazz/blues mà mấy dòng này thường đi hòa âm sẽ không theo các tiến trình thông thường, lại kén tai nghe nếu chưa quen nên sẽ không dễ hình dung được. Theo mình thấy, dim 7 sẽ thường được sử dụng khi bạn muốn kết nối với một hợp âm thứ bậc cao hơn so với hợp âm trước đó.
  • Lấy ví dụ như một số chùm hợp âm mà mình có từng phát hiện ra như sau:
  • (1) Cmaj7 | C#dim7 | Dm7 | G7
  • hoặc (2) : Cmaj7 | E7 | Fmaj7 | F#dim7 | G7 | Cmaj7
  • hoặc (3) : B♭maj7 | A7 | Dm7 | Edim7 | Fm9 | A9 | Dm7
  • Nhìn một cách bao quát , ta có thể thấy được tính “đi lên” mà hợp âm dim7 kết nối chùm hợp âm lại (như đoạn Cmaj7 – C#dim7 – Dm7 ở chùm (1)) dù cho trong âm giai C major không có hợp âm C# nào cả. Và ở đây, đánh ra nó nghe vẫn hợp lý thực sự và còn có cảm giác jazzy nữa. Đây là những cách triển khai tiến trình hợp âm nâng cao mà bạn sẽ gặp thường xuyên trong jazz, blues, indie, nhạc Hàn, nhạc Nhật…
Cố gắng lên, sắp hết bài viết rồi 🙂

4. Hợp âm tăng (Augmented chord):

Nếu như Diminished chord đã là hợp âm giảm rồi, thì đến lượt Augmented chord sẽ là hợp âm tăng thôi, cụ thể là tăng ½ cung ở nốt bậc V.Cấu tạo của một số loại hợp âm tăng thông dụng sẽ là:

  • Hợp âm tăng (*aug): I – III – V#
  • Hợp âm tăng 7 (*aug7 hoặc *7+5): I – III – V# – VII♭

Ta lấy ví dụ trên âm giai D major như sau:

  • Daug: sẽ gồm các nốt: D – F# – A# (tọa độ bấm xx0332)
  • Daug7: D – F# – A#  – C (tọa độ bấm xx0312)

Công dụng: so với hợp âm giảm, hợp âm tăng ít phổ biến hơn. Không nhiều trường hợp ta cần dùng đến hợp âm tăng, nhưng có một số chùm hợp âm đặc thù mà bạn cần phải xoay quanh loại hợp âm này.

Ví dụ như một số bản ballad sẽ có chùm hợp âm như sau (đoạn verse của bản “Isolation” – John Lennon ở tone A major): A | Aaug | B/A (hoặc A6) | A7 | D | Dm6 | A. Rõ ràng, nếu ta chỉ sử dụng hợp âm cơ bản là A (la trưởng) và đánh liền tù tì 4 nhịp 4/4 liền thì nghe sẽ rất ngang phè phè, nhưng nếu ta tỉ mỉ hơn và phân chia như ví dụ trên thì hòa âm sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Giống như hợp âm giảm, hợp âm tăng cũng mang đến một âm sắc buồn, bâng khuâng và phần nào đó là căng thẳng. Nó cũng cần phải có một hợp âm liền sau đó giải quyết chứ không thể nằm trơ trọi hoặc là hợp âm chủ của cả bài được. Lại nói thêm về ví dụ, đây cũng là một dạng tiến trình hợp âm hay được sử dụng trong mấy bản ballad/rock ballad. Các bạn có thể tham khảo.

Ngoài ra, một số bản Valse theo phong cách New Age (pha thêm chút Jazz) cũng có sử dụng hợp âm tăng ở hợp âm bậc V của bài. Ví dụ: Dmaj7 | Aaug | Dmaj7. Cảm giác nghe nó sang chảnh lắm ý.

Về phần hợp âm aug7, mình khá ít khi sử dụng. Nó có thể thay thế hợp âm thứ/thứ 7 trong bài, nhưng âm sắc của nó mang đến cảm giác hơi mơ hồ hoang mang, có thể sẽ không phù hợp với nhiều bài nên hãy cân nhắc thật kỹ để lựa chọn bỏ vào cho thật chuẩn xác.

5. Hợp âm đảo (Inversed chord):

Nghe có vẻ lạ thế thôi, chứ bản chất của loại hợp âm này khá đơn giản. Thông thường khi đánh một hợp âm, ta gảy bass của hợp âm đó – tức bậc I của âm giai (chẳng hạn như đánh hợp âm C thì gảy bass nốt C, hợp âm A gảy bass nốt A…). Trong hợp âm đảo, ta sẽ không sử dụng bass ở nốt bậc I nữa mà sẽ chuyển sang dùng bass của các nốt bậc khác.

Lấy ví dụ như ở G major: G – B – D, ta luôn đánh nốt bass là G (bậc I) ở ngăn 3 dây 6 (tọa độ bấm 320033).

Giờ nếu đánh G major với nốt bass là B (bậc III) đi, ta sẽ đánh nốt bass là nốt B ở ngăn 2 dây 5. Cấu tạo hợp âm vẫn là 3 nốt bậc I – III – V, không thay đổi thêm bớt gì cả. Tọa độ bấm lúc này sẽ là x20033 do không cần sử dụng bass G nữa.

Như vậy, hợp âm đảo là cách ta sử dụng bộ khung sườn của một hợp âm sẵn có, nhưng không nhất thiết phải sử dụng nốt bậc I để làm bass mà thay vào đó là các nốt bậc khác trong hợp âm. Bạn có thể dùng nốt nào cũng được, nếu cảm thấy nó đánh ra nghe hợp lý là OK duyệt.

Ký hiệu của hợp âm đảo sẽ là: x/y (với “x” là hợp âm sẵn có & “y” là nốt bass mới). Ví dụ như khi thấy C/G, ta sẽ tự hiểu đây là hợp âm Đô trưởng (C major) với nốt bass là nốt G. Hoặc như Am/C là hợp âm Am với nốt bass là nốt C.

Công dụng: hợp âm đảo được sử dụng rất linh hoạt. Nếu thấy phù hợp cho bản nhạc, bạn có thể dùng để thay thế các hợp âm cơ bản, tuy nhiên hãy lưu ý: khi đổi bass rồi thì hợp âm đảo sẽ phụ thuộc vào nốt bass chứ không còn là hợp âm đó nữa. Ví dụ nếu bạn dùng Am/C thì bạn sẽ thay vào hợp âm C chứ không phải là hợp âm Am đâu nhé.

Trong đệm hát sẽ có một trick sương sương đó là: giữ thế bấm cố định (tức phần middle của đoạn nhạc) và chỉ đổi bass qua lại thôi. Bản chất của trick này là ở các hợp âm đảo, và nếu bạn lười nhả tay trái ra thì đây sẽ là một giải pháp thú vị đáng để thực hành. Chẳng hạn như có chùm hợp âm là: Dsus2 | Gmaj9 | A7sus4 | Dsus2, nếu đang trong cơn lười thì bạn có thể giữ thế tay của Dsus2 & chỉ đổi bass thôi. Như vậy, chùm hợp âm sẽ được chuyển đổi thành: Dsus2 | Dsus2/G | Dsus2/A | Dsus2.

6. Kết luận:

Ngoài những loại hợp âm liệt kê ở trên, vẫn còn rất nhiều loại hợp âm khác nhau được các thế hệ nhạc sỹ, nhạc công sáng tạo và phát triển nên. Gần như bạn sẽ chẳng dùng cho hết được đâu, nhưng xài được các loại hợp âm mình đã giới thiệu thì bạn đã có thể cân được phần lớn bản nhạc rồi đó.

Có một điểm mình luôn muốn nhấn mạnh: cơ số ví dụ mình nêu trong bài viết này chỉ là một phần rất rất nhỏ, còn để bao quát hơn nữa thì phải nhờ chính các bạn tự kiểm chứng. Do phần lớn người chơi đàn thường đánh nhạc theo một nguồn tư liệu có sẵn (nhạc phổ, tab, sheet, chú thích hợp âm trên HAC…) nên ta chưa phát sinh nhiều nhu cầu về mặt hòa âm; tuy nhiên nếu phải rơi vào tình thế “tự thân vận động” và buộc phải sáng tạo hơn nữa, từ việc tự chuyển soạn cho đến thang bậc cao nhất đó là tự sáng tác, các bạn buộc phải có hiểu biết nhất định về nhiều loại hợp âm khác nhau. Với riêng việc sáng tác, đây sẽ là yêu cầu gần như bắt buộc cho các bạn. Thành hay bại, bản nhạc mình làm ra có tạo được ấn tượng không hay chỉ là một phiên bản na ná trá hình với hàng tá bài nhạc trước đó của thiên hạ, đó là nhờ vào sự trải nghiệm & tư duy của chính các bạn.

Và việc sử dụng nhiều loại hợp âm cũng sẽ giúp cho bạn đỡ ngấy khi chơi nhạc nữa. Bất kỳ công việc nào trên đời cũng vậy, lặp đi lặp lại riết cũng sẽ chóng chán, và vì thế chúng ta cần giương mắt nhìn xa hơn những giới hạn mà mình đang biết. Tìm kiếm những giá trị mới mẻ trong công việc mình đang làm luôn là cách duy trì sự nhiệt huyết tốt nhất. Bình thường khi bạn chơi một chùm hợp âm hơi-bị-dễ thế này: C – Dm – Em – A – Dm – G – C, rồi bạn nghĩ nó tẻ nhạt quá và xào nấu cách nào đó để trở thành: Cmaj7 – Dm7 – Em7♭5 – A7 – Dm7 – G7 – Cmaj7. Nếu làm được vậy, bạn đã khá khẩm hơn một chút rồi đấy, xin chúc mừng.

Sau cùng, bản chất của hợp âm add, dim, aug, sus…là những sự lựa chọn mở rộng để thay thế các hợp âm cơ bản thông thường. Và theo kinh nghiệm mình thấy, nó đem đến hiệu quả thực sự chứ không chỉ đơn thuần là “làm cho màu mè lên” như nhiều người định kiến. Nó sẽ giúp cho bản nhạc của bạn bóng bẩy hơn, sâu sắc hơn và tạo được sự kết nối hài hòa với các phần còn lại như giọng hát, beat. Nói hòa âm như là “vật trang trí” cho bản nhạc thì cũng không sai, và sau khi trang trí cho đẹp hơn thì tự dưng ta có thể biết yêu thương nó nhiều hơn cũng không chừng. Nhà cửa phải ấm cúng một chút thì ta mới muốn ở, người yêu phải nhìn tinh tươm vừa mắt một chút thì ta mới muốn yêu, và âm nhạc phải có sự tinh tế quyến rũ thì ta mới chịu nghe bỏ ra vài ba phút để lắng nghe, thưởng thức. Ta chỉ nghe nhạc chỉ khi đó thực sự là nhạc thôi 🙂

Thôi, hết lời rồi. Cố gắng lên nhé~~

Tác giả: Damien Pham (Phạm Hoàng Thắng)
Bài viết gốc: www.facebook.com/thang.phamhoang/posts/3060934750594692

Tùng AG

Tùng AG

Leave a Replay