(ANTĐ) “Gom lửa” để ra sân khấu lớn

TRÊN BÁO GIẤY

số 4127 ngày 11.6.2014

1669680_10152819027644670_2306282567134094707_o

TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ

ANTĐ – Mới nghe Percussive Fingerstyle Guitar (FS) – một dòng guitar độc tấu, kết hợp gảy dây đàn với việc dùng tay tác động vào thân đàn để tạo ra nhiều âm thanh, không nghĩ là kỹ thuật chơi đàn mới xuất hiện tại Việt Nam 4-5 năm nay lại phức tạp và cuốn hút đến thế. Chưa có một giáo trình chính thức nào ở Việt Nam giảng dạy về FS, những người theo đuổi dòng guitar đầy tính nghệ thuật này tự “tìm đường” để được phổ biến và công nhận.

Đỗ Dương Tùng, Chủ tịch VNFS đã chấp nhận nhiều thử thách khi là người tiên phong
Đỗ Dương Tùng, Chủ tịch VNFS đã chấp nhận nhiều thử thách khi là người tiên phong

Những bàn tay “đầy thương tích”

Điều đầu tiên khá bất ngờ khi Đỗ Dương Tùng (Tùng AG) – Chủ tịch Vietnam Fingerstyle Guitar Organization (VNFS) – tổ chức duy nhất được biết đến dành cho cộng đồng những người yêu FS đầu tiên tại Việt Nam đó là chàng trai 25 tuổi đã “lao” vào dòng guitar này khi chưa từng chơi loại nhạc cụ này. Sự “đi tắt” này có thể cho là tương đối bất thường khi để học và làm quen với guitar cơ bản, người bình thường cũng đã mất 3-5 tháng, chưa kể đến khi kết hợp với những kỹ thuật phức tạp như trong FS. 7 tháng là khoảng thời gian để Tùng tập luyện bài đầu tiên “Sunflower” – bản nhạc nổi tiếng của nghệ sỹ guitar Paddy Sun mà những tín đồ của FS tại Việt Nam không ai là không biết. Tiếp đó là nhiều tháng trời chiêu mộ, tập hợp các thành viên, nhiều khi đến nản mặc dù mở lớp miễn phí nhưng không có ai tham dự, vì loại hình này đối với giới trẻ Việt Nam còn quá mới mẻ. Để chơi FS, người tham gia phải xác định đầu tư một bộ đồ nghề “đủ chất”. Trong đó, từ cây đàn guitar tốt, bộ pickup (thiết bị nhận tín hiệu, khuếch đại âm thanh và dây guitar, mà theo Tùng, người chơi phải bỏ ra không dưới 5 triệu đồng. Đó là chưa kể, việc đứt dây đàn là chuyện thường xuyên xảy ra khiến họ phải bỏ ra một khoản không nhỏ để thay bộ dây mới.

Các nghệ sỹ FS sử dụng dây sắt để tiếng đanh, vang hơn. Nếu bạn nhìn vào bàn tay của những dân chơi FS có thể nhận ra những vết sưng đỏ vì tập các kỹ thuật đập trống (percussive). Không kể đến việc, nếu móng tay không đủ khỏe thì tốt nhất đừng dại dột chơi đàn bằng móng, vì nó có thể sẽ không còn lành lặn sau chỉ một hai bản nhạc. Bởi vậy, nếu nhìn thấy những anh chàng chơi guitar tỉ mẩn dán những chiếc móng giả vào từng ngón tay trước khi chơi đàn – bộ móng chị em phụ nữ thường dùng để làm đẹp, thì cũng đừng quá nhạc nhiên.

Chờ được công nhận

Nếu theo dõi một nghệ sỹ FS “thượng thặng”, bạn có thể hoa mắt vì không hiểu bằng cách nào họ tạo ra từng ấy âm thanh trên một cây đàn. Ngoài việc vận dụng các kỹ thuật “palm” – dùng chỗ khớp cổ tay đập vào thùng đàn, “nail attack” – dùng ngón giữa và áp út búng vào dây đàn, “tapping” – dùng ngón tay bấm mạnh vào cần đàn…, họ còn sáng tạo ra nhiều thế tay độc đáo, không thể có trong guitar truyền thống. Chính những “cải tiến” mang tính cá nhân và cũng rất ngẫu hứng này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của dòng guitar mang nhiều yếu tố nghệ thuật này. Phát triển khá mạnh trên thế giới với nhiều tên tuổi đã thành huyền thoại, nhưng ở Việt Nam, FS mới chỉ được biết đến như một phong trào, mặc dù đã có hẳn một cuộc thi quy mô toàn quốc dành cho những tài năng trong lĩnh vực này.

Theo chị Đỗ Yến Nga, Phó Chủ tịch của Vietnam Fingerstyle Guitar Organization, các buổi hướng dẫn, giao lưu, trao đổi kiến thức của cộng đồng VNFS đang được tổ chức theo hình thức hoàn toàn miễn phí. Số lượng các tay guitar có thể biểu diễn trên sân khấu cũng chưa nhiều và cũng không có nhiều người chơi FS có thể sáng tạo được bản nhạc của riêng mình, khi để làm được điều này đòi hỏi họ phải vận dụng các kiến thức nhạc lý, đồng thời có kỹ thuật guitar vững vàng. Ngoài ra, một điểm khó khăn đó là chưa có giáo trình chính thức giảng dạy dòng guitar này ở Việt Nam. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, VNFS đã mở rộng hơn rất nhiều với quy mô hơn 5.000 thành viên, với nhiều sự kiện, cuộc thi được tổ chức định kỳ nhưng để đưa được dòng nhạc này ra các sân khấu lớn và công chúng đón nhận nhiều hơn, vẫn là một chặng đường dài đối với họ.

Có nhiều lý do khiến dòng nhạc này được giới trẻ yêu thích và theo đuổi, vậy cũng mong chờ trong một ngày không xa, Percussive Fingerstyle Guitar sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt và tạo dựng được danh tiếng trong cộng đồng thế giới.

MAI ANH

http://www.anninhthudo.vn/Giai-tri/Gom-lua-de-ra-san-khau-lon/554732.antd

Tùng AG

Tùng AG

Leave a Replay